Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu họp đánh giá các hồ sơ đề cử Giải thưởng năm 2022

Sáng ngày 23/4/2022, tại Hà Nội, Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 (HĐGT) đã họp đánh giá xét chọn Giải thưởng Tạ Quang Bửu.

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 với cơ cấu như thường lệ gồm 10 thành viên, trong đó có 08 thành viên là đại diện các Hội đồng khoa học trong lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật của Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia: GS.TS. Nguyễn Hải Nam (Chủ tịch HĐGT), GS.TS. Nguyễn Hữu Đức (Phó Chủ tịch HĐGT), GS. TSKH. Hồ Tú Bảo, GS.TS. Nguyễn Hữu Dư, GS.TS. Trần Thanh Hải, PGS.TS. Nguyễn Trung Kiên, PGS.TS. Nguyễn Vũ Trung, GS.TS. Phan Tuấn Nghĩa; 01 thành viên là nhà khoa học nước ngoài đang làm việc tại Việt Nam: GS.TS. Pierre Darriulat – Trung tâm Vũ trụ Việt Nam; 01 thành viên là nhà khoa học Việt Nam đang làm việc tại nước ngoài: GS.TS. Nguyễn Sơn Bình – Đại học Northwestern, Mỹ.

Phiên họp được tổ chức trực tuyến với 06 thành viên HĐGT dự họp tại Hà Nội kết nối với GS.TS Nguyễn Sơn Bình (tại Mỹ), GS.TS Nguyễn Hữu Đức và PGS.TS Nguyễn Trung Kiên (thành phố Hồ Chí Minh). GS.TS. Pierre Darriulat không tham dự phiên họp vì lý do cá nhân, đã gửi ý kiến nhận xét tới Ban Tổ chức để HĐGT tham khảo.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc – Trưởng Ban Tổ chức Giải thưởng, một số thành viên Ban Tổ chức giải thưởng, Lãnh đạo Cơ quan điều hành Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia (Quỹ), đại diện Vụ Xã hội Nhân văn và Tự nhiên – Bộ KH&CN và một số cơ quan báo chí, truyền thông tham dự phiên khai mạc cuộc họp HĐGT.


Phiên khai mạc cuộc họp của Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022

Phát biểu khai mạc phiên họp HĐGT, Thứ trưởng Phạm Công Tạc cho biết, để đảm bảo chất lượng của Giải thưởng, Bộ KH&CN, Ban Tổ chức Giải thưởng đã mời các nhà khoa học uy tín ở trong và ngoài nước, ở các lĩnh vực khác nhau tham gia HĐGT. Thứ trưởng đề nghị Hội đồng đánh giá các hồ sơ khoa học và nghiêm cẩn, đảm bảo nếu có nhà khoa học được lựa chọn để đề xuất Bộ trưởng Bộ KH&CN trao tặng Giải thưởng phải hoàn toàn xứng đáng.

Thứ trưởng Phạm Công Tạc phát biểu tại phiên họp HĐGT Tạ Quang Bửu 2022

Thay mặt HĐGT, GS.TS Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch HĐGT cảm ơn Bộ KH&CN, Ban Tổ chức Giải thưởng đã tin tưởng, lựa chọn các nhà khoa học tham gia HĐGT. Chủ tịch HĐGT khẳng định Hội đồng sẽ đánh giá các hồ sơ đề cử kỹ lưỡng và công tâm, dựa trên giá trị chất lượng khoa học của công trình.

GS.TS. Nguyễn Hải Nam – Chủ tịch HĐGT Tạ Quang Bửu 2022

Kết thúc phiên khai mạc, trước khi bước vào họp kín, các thành viên HĐGT đã chụp ảnh lưu niệm với các đại biểu tham dự và với đại điện Ban Tổ chức Giải thưởng.

Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2022 chụp ảnh lưu niệm với đại diện Ban Tổ chức Giải thưởng

Trước đó, Ban Tổ chức nhận được tổng số 48 hồ sơ trong 08 ngành thuộc lĩnh vực Khoa học tự nhiên và kỹ thuật. Ngành Vật lý có 17 hồ sơ đăng ký, là ngành có nhiều hồ sơ đăng ký nhất. Số hồ sơ được các tổ chức, cá nhân đề cử tham gia Giải thưởng là 18 hồ sơ, chiếm 37,5% tổng số hồ sơ đăng ký.

Sau phiên họp của HĐGT, Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ Quốc gia – cơ quan thường trực của Giải thưởng sẽ tổng hợp, báo cáo kết quả với Lãnh đạo Bộ KH&CN. Thông tin về nhà khoa học đoạt Giải thưởng sẽ được công bố sau khi có Quyết định phê duyệt chính thức của Bộ trưởng Bộ KH&CN. Lễ trao Giải thưởng hàng năm được tổ chức vào dịp kỷ niệm ngày Khoa học và Công nghệ Việt Nam (18/5).

Thông tin về Giải thưởng Tạ Quang Bửu được đăng tải đầy đủ tại địa chỉ: https://taquangbuuprize.nafosted.gov.vn/

Tập đoàn Phenika ký hợp đồng tài trợ kinh phí trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu trong 3 năm (từ năm 2019).

Tạp chí Tia Sáng, Họa sĩ Lê Thiết Cương, Công ty TNHH Minh Long I đã hỗ trợ thiết kế, gia công và cung cấp bộ huy chương Giải thưởng với công nghệ sứ mạ vàng tiên tiến, sử dụng trong nhiều năm.