Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019: Cơ chế hỗ trợ là nguồn lực rất quan trọng

  • NAFOSTED 

(HNM) – Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019 ghi nhận lần đầu tiên có nhà khoa học thuộc lĩnh vực cơ học và y sinh đạt giải, cũng là lần đầu tiên có nhà khoa học nữ được vinh danh. Đây không chỉ là dịp tôn vinh những giá trị khoa học mà còn góp phần khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, kêu gọi xã hội quan tâm đầu tư, có cơ chế hỗ trợ cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo.

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam và Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh trao giải cho các tác giả nhận Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2019.

Các công trình được thực hiện tại Việt Nam

Nhận định về giải thưởng năm nay, Giáo sư, Tiến sĩ Ngô Việt Trung, Chủ tịch Hội đồng Giải thưởng Tạ Quang Bửu 2019 cho biết: Với các thành viên của Hội đồng, đây là một năm khó khăn cho việc bỏ phiếu lựa chọn, bởi các ứng viên đều có công trình rất tốt, được đăng tải trên các tạp chí hàng đầu trong lĩnh vực. Trong số 8 công trình lọt vào chung kết của các ngành toán, vật lý, khoa học trái đất và môi trường, cơ học, khoa học sự sống và y sinh dược học, ba công trình của Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Chính; Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Khánh Hằng và Tiến sĩ Lê Trọng Lư đã thuyết phục được Hội đồng Giải thưởng bởi bảo đảm được các tiêu chí quan trọng. Đó là các công trình nghiên cứu xuất sắc, được thực hiện ở Việt Nam và xuất bản trên các tạp chí quốc tế có uy tín. Tác giả được đề cử phải là người có đóng góp quan trọng nhất vào công trình đó, công trình được lựa chọn cần có ít nhất 2/3 số phiếu chấp thuận của Hội đồng.

Phó Giáo sư, Tiến sĩ Phạm Đức Chính (Viện Cơ học – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) đã bền bỉ theo đuổi hướng nghiên cứu về thích nghi – hỏng dẻo kết cấu chịu lực trong mấy chục năm qua. Công trình của ông về vấn đề này đã được đăng tải trên tạp chí khoa học quốc tế uy tín. Ông được mời viết về lĩnh vực này cho “Bách khoa thư về mài mòn, ma sát và bôi trơn”, Nhà Xuất bản Springer 2013 và “Bách khoa thư về cơ học môi trường liên tục”, Nhà Xuất bản Springer, đang chuẩn bị ra mắt. Hai giả thiết mà Phó Giáo sư Phạm Đức Chính từng nêu ra đã góp phần lý giải và xử lý được cội nguồn của một số mâu thuẫn về tính toán trong một số bài toán cụ thể về sự thích nghi – hỏng dẻo.

Trong khi đó, tập trung vào các nghiên cứu về virus cúm mùa, các virus lây truyền từ động vật sang người, Phó Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lê Khánh Hằng (Viện Vệ sinh dịch tễ trung ương – Bộ Y tế) cũng đã có nhiều công bố quốc tế. Công trình của Phó Giáo sư Nguyễn Lê Khánh Hằng đã cung cấp một danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người – động vật trong virus HPAI H5N1, có giá trị trong giám sát phân tử virus cho các nghiên cứu trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới. Số liệu này có thể giúp các nhà khoa học phát hiện và xác định các đột biến liên quan đến sự thích ứng của virus cúm HPAI H5N1 trên động vật có vú, đồng thời cung cấp các số liệu tham chiếu cho nghiên cứu về các virus cúm A khác đang lưu hành trên động vật, gia cầm.

Ở lĩnh vực khác, lựa chọn hướng nghiên cứu về nano cho luận án tiến sĩ của mình cách đây hơn 10 năm, với mong muốn sử dụng các vật liệu nano cho mục đích chăm sóc sức khỏe, Tiến sĩ Lê Trọng Lư (Viện Kỹ thuật nhiệt đới – Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam), đã nghiên cứu và thiết kế một quy trình tổng hợp tương đối đơn giản các hạt nano từ ferit. Việc tìm ra phương pháp tổng hợp này có ý nghĩa lớn trong việc chế tạo các hạt nano từ có nhiều ứng dụng trong thực tế, đặc biệt trong lĩnh vực y sinh.

Quan trọng là theo đuổi đến cùng

Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ Chu Ngọc Anh nhận xét, việc trao Giải thưởng Tạ Quang Bửu hằng năm không chỉ là dịp tôn vinh những giá trị khoa học mà còn góp phần khuyến khích niềm đam mê nghiên cứu khoa học của thế hệ trẻ, kêu gọi xã hội quan tâm đầu tư cho khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo. Bộ trưởng Chu Ngọc Anh cũng thẳng thắn nhìn nhận ngành vẫn đối mặt với rất nhiều khó khăn, thách thức, từ nhận thức chưa đầy đủ của các cấp, các ngành, các địa phương đến hành lang pháp lý và cơ chế, chính sách dành cho khoa học và công nghệ thiếu đồng bộ, phức tạp, chồng chéo.

Trong tinh thần chung hướng tới việc hoàn thiện những cơ chế, chính sách cho hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, các nhà khoa học đạt giải thưởng đã dành những nhận xét tích cực với những điểm mới trong vấn đề cơ chế hiện nay. Đặc biệt, các nhà khoa học đều coi sự hỗ trợ từ Quỹ Phát triển khoa học và công nghệ quốc gia (Nafosted) là một điểm sáng giữa bộn bề khó khăn mà những người làm khoa học đang gặp phải. Theo Phó Giáo sư Nguyễn Lê Khánh Hằng, với cơ chế của Nafosted, các công trình nghiên cứu được tạo môi trường minh bạch, cơ hội bình đẳng trong việc tiếp cận nguồn tài trợ nghiên cứu và hướng tới hội nhập quốc tế.

Phó Giáo sư Phạm Đức Chính cũng khẳng định, các kết quả nghiên cứu cơ bản và công bố quốc tế của Việt Nam được nhen nhóm từ thời đại Tạ Quang Bửu có điều kiện bừng lên trong thời đại hội nhập và tiến bộ ngày nay là nhờ các cải cách mạnh mẽ trong chính sách khoa học, công nghệ và giáo dục của nước nhà, mà Nafosted là một ngọn đuốc sáng.

Khẳng định tâm huyết với những nghiên cứu cơ bản cũng như giá trị của lĩnh vực này đối với sự phát triển khoa học và công nghệ nước nhà, Tiến sĩ Lê Trọng Lư cho rằng: “Với tôi, việc lựa chọn giữa một trong hai hướng nghiên cứu không quá quan trọng, mà điều quan trọng là sự đam mê và theo đuổi đến cùng hướng nghiên cứu đã lựa chọn. Để đạt được mục tiêu khoa học và công nghệ phục vụ cho phát triển kinh tế – xã hội và đưa Việt Nam trở thành quốc gia hùng mạnh đòi hỏi một chiến lược phát triển khoa học và công nghệ có tầm vóc cùng với nỗ lực không ngừng của các nhà khoa học, trong đó có cá nhân tôi”.

Theo: Hà Nội mới

https://hanoimoi.com.vn/tin-tuc/Khoa-hoc/935583/giai-thuong-ta-quang-buu-nam-2019-co-che-ho-tro-la-nguon-luc-rat-quan-trong