Ý nghĩa giải thưởng khoa học

Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm nay không có giải chính. Điều này không có nghĩa là chúng ta không có nhà khoa học nào xứng đáng để trao giải. Việc chúng ta không tìm ra họ là rất đáng tiếc khi rất nhiều người Việt Nam tài năng đã cống hiến cả đời mình cho khoa học dù với điều kiện vật chất nghèo nàn.


PGS. TS Phạm Tiến Sơn- Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Lý do chính của việc không có giải Tạ Quang Bửu năm nay nằm ở sự thiếu sót trong quy chế giải thưởng. Cụ thể, không nhà khoa học nào có trách nhiệm đứng ra đảm bảo rằng quá trình đề cử được triển khai một cách nghiêm cẩn. Chỉ có một nhóm các nhà khoa học đơn giản là xét duyệt khi các đề cử đã xong xuôi, mà đến lúc đó đã quá muộn: Rất nhiều người ứng cử viên tốt đã không được đề cử và thường là từ chối tự ứng cử. Bởi vậy, các quy chế giải thưởng hiện này cần thiết phải được xem xét lại.

Để phát triển và tiến bộ, Việt Nam cần phải chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào lao động giá rẻ sang nền kinh tế tri thức. Cụ thể, Việt Nam cần phải chấm dứt và đảo ngược quá trình chảy máu chất xám đầy bi kịch vẫn diễn ra hàng thập kỉ nay. Trong lĩnh vực khoa học, nó cần phải thu hút những sinh viên tài năng vào công việc nghiên cứu nói chung, đặc biệt là nghiên cứu cơ bản. Ngày nay, những sinh viên tài năng nhất ra trường thường sẽ lựa chọn làm trong lĩnh vực ngân hàng, marketing hoặc quản trị kinh doanh. Rõ ràng, điều kiện vật chất tốt hơn, cụ thể là thu nhập đáng kể hơn, là lí do chính. Sự thịnh vượng của một quốc gia nằm trong khối óc và trái tim của thế hệ trẻ. Sự thịnh vượng của ngành khoa học Việt Nam nằm ở khối óc và trái tim của những nhà khoa học trẻ, chứ không phải là trong các công cụ và thiết bị khoa học đắt tiền mà chúng ta thường mua một cách thiếu suy nghĩ. Nhà khoa học phải là người đề xuất mua các thiết bị, chứ không phải là các thiết bị mua xong rồi mới tìm nhà khoa học vận hành, vốn là điều thường xảy ra. Ở Việt Nam, thật không may là việc mua kính thiên văn rồi không ai sử dụng vẫn dễ hơn là gửi một nhà khoa học sang nước ngoài trong các khóa trao đổi, đào tạo hoặc hội thảo ngắn hạn; đó còn chưa kể đến chuyện mời các nhà khoa học nước ngoài tới làm việc một thời gian với các nhà nghiên cứu trong nước thì lại càng khó khăn. Chúng ta cần phải làm sao để chuyển hướng nguồn ngân sách tài trợ cho khoa học tới con người thay vì tới các thiết bị.

Ít nhất, những ghi nhận xác đáng cho những thành tựu của các nhà khoa học tài năng sẽ thể hiện một sự trân trọng ấm áp dành cho khoa học, sẽ giúp vài sinh viên trẻ tài năng nhất thay đổi suy nghĩ của mình. Theo ý kiến của tôi, đó là vai trò chính của các giải thưởng khoa học: tạo ra những tấm gương xuất sắc cho thế hệ trẻ và thu hút một số em vào các hoạt động trí tuệ, nơi tri thức được coi trọng hơn tiền bạc. Mục tiêu của các giải thưởng này không phải là tìm kiếm những thiên tài mà để hỗ trợ và phụng sự tốt nhất lợi ích của khoa học Việt Nam.

Nhưng, ít nhất, những ghi nhận xác đáng cho những thành tựu của các nhà khoa học tài năng sẽ thể hiện một sự trân trọng ấm áp dành cho khoa học, sẽ giúp vài sinh viên trẻ tài năng nhất thay đổi suy nghĩ của mình. Theo ý kiến của tôi, đó là vai trò chính của các giải thưởng khoa học: tạo ra những tấm gương xuất sắc cho thế hệ trẻ và thu hút một số em vào các hoạt động trí tuệ, nơi tri thức được coi trọng hơn tiền bạc. Mục tiêu của các giải thưởng này không phải là tìm kiếm những thiên tài mà để hỗ trợ và phụng sự tốt nhất lợi ích của khoa học Việt Nam. 
Trong lĩnh vực khoa học cơ bản vốn quen thuộc với tôi, có rất ít giải thưởng ở Việt Nam và ta nên có nhiều hơn thế. Lấy một ví dụ ở các nước phát triển, như Pháp (với dân số chỉ bằng 2/3 Việt Nam) bởi riêng Hiệp hội vật lý Pháp: giải Louis Ancel được trao hằng năm cho một nhà vật lý người Pháp cho đóng góp của họ trong ngành vật lý chất rắn; giải Aimé Cotton được trao thường niên cho nhà vật lý trẻ vì đóng góp của họ trong lĩnh vực vật lý nguyên tử, phân tử và quang học; giải Paul Langevin được trao mỗi năm cho một nhà vật lý lý thuyết ở giai đoạn giữa của sự nghiệp vì những đóng góp xuất sắc trong lĩnh vực vật lý; giải Joliot-Curie được trao hằng năm cho một nhà vật lý với đóng góp trong ngành vật lý hạt và vật lý nguyên tử; giải Louis Néel trao thường niên cho một nhà vật lý với những đóng góp về phát triển công nghệ; giải Jean-Perrin trao hằng năm cho một tác giả với những thành công đưa khoa học đến với công chúng, giải Jean-Louis Laclare hai năm một lần trao cho một nhà vật lý với nghiên cứu trong lĩnh vực vật lý gia tốc hạt; giải Lagarrigue tôn vinh một nhà vật lý cho công trình xuất sắc trong lĩnh vực vật lý lý thuyết hoặc thực nghiệm hai năm một lần; giải Jean Ricard trao hai năm một lần cho một cá nhân hoặc một nhóm có đóng góp xuất sắc cho ngành vật lý; giải Felix Robin trao hai năm một lần cho một nhà vật lý hoặc nhóm của họ trong ngành vật lý; giải Yves Rocard trao hằng năm cho một nhóm các nhà vật lý đã thành công trong việc chuyển giao một công nghệ từ phòng thí nghiệm cho doanh nghiệp; Pháp hoặc Anh trao giải Holweck thường niên cho một nhà vật lý người Pháp hoặc Anh vì những đóng góp xuất sắc của họ cho ngành vật lý; giải Gentner-Kastler trao hằng năm luân phiên giữa Pháp và Đức, trao cho một nhà vật lý đang làm việc tại Pháp hoặc Đức cho những đóng góp xuất sắc trong ngành vật lý; giải Friedel-Volerra trao hằng năm, luân phiên giữa Pháp và Ý cho một nhà vật lý đã có đóng góp quan trọng khung hợp tác giữa Pháp và Ý; giải Charpak-Ritz trao hằng năm, luân phiên giữa Pháp và Thụy Sĩ cho một nhà vật lý hoặc nhóm của họ vì những đóng góp xuất sắc cho ngành vật lý. Đối với các ngành khoa học khác, các hiệp hội tương đương cũng có ngần đó giải thưởng (ví dụ Hiệp hội Thiên văn Pháp). Thậm chí Viện Hàn lâm Khoa học Pháp và các cơ quan nghiên cứu khác khác còn trao thêm nhiều giải thưởng nữa (như huân chương vàng, bạc, đồng của CNRS hay các giải được trao bởi các hiệp hội tri thức (learned society) châu Âu.   


Hội đồng Giải thưởng họp đánh giá 8 hồ sơ đề cử Giải thưởng Tạ Quang Bửu năm 2020.

Tài chính không phải là vấn đề khó khăn, bởi đây là sự tri ân và mang tính khích lệ, và quy mô giải thưởng chỉ cần khoảng một nghìn USD, không nhiều hơn; hơn nữa, chúng ta nên kêu gọi đóng góp từ khối tư nhân, họ đầu tư hàng tỉ USD cho đường sá, cầu cống và tàu điện ngầm, chỉ một phần triệu trong số tiền đó dành cho các giải thưởng này còn nâng cao tiếng tăm của họ hơn.

Việc lựa chọn người nhận giải phải được thực hiện một cách nghiêm cẩn nhất có thể. Cách làm chuẩn mực ở nước ngoài là thành lập một hội đồng cho mỗi giải thưởng (nhưng một hội đồng có thể chấm nhiều hơn một giải). Các thành viên trong hội đồng tuyệt đối phải là những nhà khoa học đang tích cực tham gia nghiên cứu. Tốt hơn nữa là họ không nên là những người nắm giữ các chức danh quản lý quan trọng*; và lý tưởng là họ phải được bầu bởi các cộng đồng khoa học có liên quan đến lĩnh vực đó, nhưng ở Việt Nam, cách thực hành này đáng tiếc không phải là một thông lệ. Họ không nên là người quá trẻ, nhưng cũng không nên quá cao tuổi. Một vài thành viên có thể từng là những người nhận giải thưởng. Cơ quan chính quyền cấp cao có thể hỗ trợ về mặt hành chính, chịu trách nhiệm về giải thưởng, thường là, Bộ Khoa học và Công nghệ. Tuy nhiên, hội đồng giải thưởng phải có trách nhiệm bao quát quy trình từ khi bắt đầu đến khi kết thúc giải thưởng. Lựa chọn của họ sẽ được chuyển đến cho cơ quan chính quyền dưới hình thức đề xuất và cơ quan này sẽ đưa ra quyết định cuối cùng.

Quy tắc cơ bản là các thành viên của hội đồng giải thưởng phải được tin tưởng hoàn toàn về sự chính trực và chuyên môn. Họ không nên bị trói buộc bởi những quy định cứng nhắc. Cụ thể, họ là những nhà khoa học chứ không phải là nhân viên kế toán: khi đánh giá một công trình khoa học, họ không nên được yêu cầu phải dựa trên những tiêu chí cố định: là thứ tự của ứng cử viên trong danh sách tác giả, vào xếp hạng của tạp chí về chỉ số h-index, trong SCimago hay bất kì cái gì đi nữa, hay là số lượng trích dẫn, vân vân…Trong những lĩnh vực khác nhau, đòi hỏi cách xử lý khác nhau. Ở Việt Nam, nhiều lĩnh vực đáng tiếc là bị lép vế, chẳng hạn như vật lý thực nghiệm/quan sát so với vật lý lý thuyết hay công trình nhóm khi bị đem ra so với công trình cá nhân. Kết quả là, thường xuyên có những hiểu nhầm nghiêm trọng về các lĩnh vực này. Những điểm yếu này là các trở ngại quan đối với bước tiến của khoa học Việt Nam. Một ví dụ gần đây là sự vắng bóng của ngành vật lý thiên văn trong Chiến lược phát triển năm năm ngành vật lý, dựa trên một quan niệm hoàn toàn sai lầm rằng vật lý thiên văn đòi hỏi cơ sở vật chất tốn kém, trong khi chúng tôi đang chứng minh điều ngược lại, ghi tên trên bản đồ thế giới mà Việt Nam chỉ mất 0 đồng. Nghiên cứu thực nghiệm trong lĩnh vực vật lý hạt là một ví dụ khác mà tôi biết, thường có một danh sách dài các tác giả ký tên trên bài báo trong khi là tác giả thứ nhất chẳng có nghĩa lý gì. Đây là một ví dụ hơi cực đoan nhưng những lĩnh vực khác của vật lý mà tôi tham gia như vật lý hạt nhân, vật lý chất rắn, vật lý thiên văn cũng là lĩnh vực đòi hỏi làm việc nhóm: thứ tự trong danh sách tên tác giả không thể được hiểu một cách ngây thơ là thứ hạng về chất lượng và tầm quan trọng trong đóng góp của anh ta đối với công trình. Chỉ có những nhà khoa học hiểu biết về nghiên cứu trong bài báo mới có thể đưa ra những đánh giá tin cậy. Chất lượng của tạp chí mà bài báo liên quan đến giải thưởng đăng trên đó là một thông tin quan trọng, nhưng một lần nữa, nó không bao giờ nên là một thước đo tuyệt đối cho chất lượng của nghiên cứu. Trong những lĩnh vực tôi nghiên cứu, chúng tôi thường luôn luôn đăng trên cùng một tạp chí, và điều đó không nên được tính là một điểm trừ như tôi vẫn nghe người ta nói ở Việt Nam, cho rằng nếu một ứng viên cứ công bố đi công bố lại trên một tạp chí, thì hẳn là vì đăng ở đó dễ. Số lượng trích dẫn cũng vậy, tôi có thể chỉ ra một loạt các công bố khoa học xuất sắc có rất ít trích dẫn trong nhiều năm và ngược lại, một loạt các công trình bình thường nhưng lại hưởng một số lượng lớn trích dẫn.

Một người nhận giải có thể được lựa chọn vì một đóng góp khoa học có ảnh hưởng đặc biệt, dưới hình thức một công trình nghiên cứu; nhưng họ có thể được lựa chọn vì đã phát triển một hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam, hình thành nên một nhóm nghiên cứu và ghi tên nó trên bản đồ quốc tế sau vài năm, thể hiện ở một loạt các bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín. Tinh thần của giải thưởng nên được khẳng định rõ ràng và trách nhiệm của Hội đồng giải thưởng là cam kết với tinh thần đó.

Các đề cử nên được đề xuất bởi những người đại diện cho cộng đồng, như người đứng đầu các viện nghiên cứu, các khoa trong trường đại học, người có tri thức đủ rộng, đủ chính xác và khách quan về lĩnh vực mà các ứng cử viên nghiên cứu. Các ứng cử viên cũng có thể được đề xuất bởi các hiệp hội trong trường hợp các hiệp hội này hoạt động sôi nổi và được quản lý một cách dân chủ. Những ứng cử viên dĩ nhiên nên được đánh giá một cách cẩn thận, và đặc biệt là nên đính kèm thư giới thiệu của các nhà khoa học được chọn dựa trên chuyên môn, sự liêm chính và khả năng đánh giá sự đóng góp của ứng cử viên một cách chính xác. Nhiều nhất có thể trong số đó nên là những nhà khoa học nước ngoài và tốt hơn là những người có động cơ muốn giúp đỡ sự tiến bộ của các nước đang phát triển nói chung và Việt Nam nói riêng. Trong trường hợp công trình đó là của một nhóm, những người viết thư giới thiệu nên bao gồm cả đồng tác giả nhiều kinh nghiệm hơn bên cạnh những nhà khoa học uy tín khác không tham gia nghiên cứu đó. Có lẽ không cần thiết phải nói rằng, việc tự ứng cử nên bị cấm: một người không ứng cử chính mình cho giải thưởng khoa học mà phải được đề cử bởi các đồng nghiệp của mình.

Những ý kiến trong bài viết này không có gì đặc biệt, nó chỉ là những trình bày đơn giản của những gì gọi là lẽ thường trong môi trường khoa học mà tôi từng làm việc trước khi tới Việt Nam. Điều quan trọng vẫn là nội dung, chứ không phải là hình thức. Các giải thưởng khoa học có mục đích vinh danh các nhà khoa học vì những thành tựu xuất sắc của họ, vì sự đóng góp của họ cho sự tiến bộ của khoa học nước nhà, vì những tấm gương họ để lại cho thế hệ trẻ. Một người nhận giải có thể được lựa chọn vì một đóng góp khoa học có ảnh hưởng đặc biệt, dưới hình thức một công trình nghiên cứu; nhưng họ có thể được lựa chọn vì đã phát triển một hướng nghiên cứu mới ở Việt Nam, hình thành nên một nhóm nghiên cứu và và ghi tên nó trên bản đồ quốc tế sau vài năm, thể hiện ở một loạt các bài báo được công bố trên các tạp chí uy tín. Tinh thần của giải thưởng nên được khẳng định rõ ràng và trách nhiệm của Hội đồng giải thưởng là cam kết với tinh thần đó.

Các đặc thù của từng ngành khoa học phải được cân nhắc và tôn trọng. Cũng giống như, một nhà toán học hay một bác sĩ, có thể sẽ viết bài báo này theo các cách khác nhau, nhưng cuối cùng, thông điệp họ muốn gửi đến cho chúng ta là một. □

(Theo Tia Sáng – Hảo Linh dịch)

*Sửa lại so với bản in là “Tốt hơn nữa là họ không nên là những người không nắm giữ các chức danh quản lý quan trọng”