PGS.TS TRẦN THANH HẢI

GS.TS Trần Thanh Hải sinh năm 1965 tại Thái Nguyên. Ông hoàn thành chương trình Tiến sĩ tại Đại học Regina, Canada năm 2001. Từ năm 2002, ông giảng dạy, nghiên cứu tại Trường Đại học Mỏ – Địa chất. Ông được bổ nhiệm Chức danh Phó Giáo sư năm 2009 và Chức danh Giáo sư năm 2018. Ông là người tiên phong trong việc áp dụng tổng hợp các nghiên cứu tổng hợp và định lượng trong giải đoán cấu trúc địa chất kết hợp với Thuyết Kiến tạo Mảng và các kiến thức hiện đại để xây dựng mô hình kiến tạo, khôi phục lịch sử tiến hóa của vỏ Trái Đất, dự báo tài nguyên địa chất và phòng tránh thiên tai ở Việt Nam. Ông là tác giả và đồng tác giả của hơn 60 bài báo khoa học, trong đó hơn 30 bài báo được đăng trên các tạp chí và kỷ yếu khoa học quốc tế và 6 cuốn sách chuyên khảo, giáo trình và tham khảo.

CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

Tran, H. T., Zaw, K., Halpin, J. A., Manaka, T., Meffre, S., Lai, C K., & Dinh, S., 2014. The Tam Ky-Phuoc Son shear zone in Centra Vietnam: tectonic and metallogenic implications. Gondwana Research, 26(1), 144-164.

Công trình đoạt giải được đăng trên tạp chí Gondwana Research. Đây là tạp chí có thứ hạng cao trong lĩnh vực Khoa học Trái đất thuộc danh mục tạp chí SCI với chỉ số IF trung bình 5 năm (thời điểm năm 2015) là 8. Công trình này có phát hiện mới quan trọng về lịch sử tiến hóa kiến tạo của địa khối Đông Dương, vấn đề đã và đang nhận được sự quan tâm lớn của cộng đồng khoa học địa chất trong và ngoài nước. Việc xác định được các hoạt động magma-kiến tạo và tạo khoáng vàng xảy ra vào khoảng 400 triệu năm trước đã mở ra cách tiếp cận mới trong nghiên cứu địa chất khu vực và mở đường cho các nghiên cứu tiếp theo về các quá trình kiến tạo và sinh khoáng vàng khu vực Đông Dương và Việt Nam.

Với những khám phá mới đó, mặc dù công trình đề cập tới một lĩnh vực khá chuyên sâu trong Địa chất học với những quan điểm khoa học địa chất mới, cần có thời gian để kiểm chứng nhưng tính đến nay công trình đã nhận được ít nhất 872 lần đọc và 38 lần trích dẫn trên các tạp chí khoa học quốc tế (theo Google Scholar). Ít nhất  2 công trình bố quốc tế gần đây đã sử dụng và kế thừa mô hình kiến tạo của nghiên cứu này để bổ sung và hoàn thiện bức tranh lịch sử tiến hóa kiến tạo khu vực miền Trung Việt Nam.