GS.TS PHAN THANH SƠN NAM

 

 

 

 

 

 

 

 

GS Phan Thanh Sơn Nam sinh năm 1977, tốt nghiệp đại học ngành Kỹ thuật Hóa học tại Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM vào năm 1999. Sau khi tốt nghiệp đại học, ông tiếp tục công tác tại trường. Năm 2001, Ông bắt đầu chương trình nghiên cứu sinh với GS Peter Styring tại Trường Đại học Sheffield, Vương Quốc Anh. Năm 2004, ông tiếp tục nghiên cứu sau tiến sỹ với GS Christopher W. Jones tại Viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ. Năm 2006, ông chính thức trở thành giảng viên của Trường Đại học Bách Khoa, ĐHQG TP.HCM, được bổ nhiệm PGS vào năm 2009 và GS vào năm 2014. Ông và đồng nghiệp đã công bố được trên 80 bài báo SCI/SCIE. Hướng nghiên cứu chính của ông tập trung vào việc ứng dụng vật liệu MOFs và vật liệu nano làm xúc tác cho các phản ứng tổng hợp hữu cơ.

CÔNG TRÌNH KHOA HỌC

Giao H. Dang, Thinh T. Dang, Dung T. Le, Thanh Truong, Nam T. S. Phan, 2014. Propargylamine synthesis via sequential  methylation and C-H functionalization of N-methylanilines and terminal alkynes under metal-organic-framework Cu2(BDC)2(DABCO) catalysis. Journal of Catalysis, Vol. 319, 258–264.

Nội dung công trình tập trung vào việc nghiên cứu sử dụng vật liệu Cu-MOFs làm xúc tác dị thể cho phản ứng điều chế các hợp chất họ propargylamine theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H. Các hợp chất chứa cấu trúc propargylamine có nhiều ứng dụng quan trọng trong lĩnh vực hóa dược, hóa chất nông nghiệp, vật liệu chức năng. Thực hiện phản ứng theo con đường hoạt hóa trực tiếp liên kết C-H sẽ góp phần rút ngắn đáng kể quá trình tổng hợp hữu cơ so với các phương pháp truyền thống. Chuyển hóa của N-methylaniline trong đó tert-butyl hydroperoxide đóng luôn vai trò là tác nhân methyl hóa chưa từng được công bố trước đó. Ngoài ra, xúc tác MOFs này có khả năng thu hồi và tái sử dụng nhiều lần cho phản ứng mà hoạt tính không giảm đáng kể. Đây cũng là ưu điểm của xúc tác MOFs so với các xúc tác đồng thể được nghiên cứu trước đây.