TSKH Trần Đình Phong sinh năm 1981 tại Hải Dương, tốt nghiệp Tiến sĩ tại Đại học Paris Sud, Cộng hòa Pháp năm 2008 và Tiến sĩ Khoa học tại Đại học Grenoble Alpes, Cộng hòa Pháp năm 2016. Ông đã từng nghiên cứu sau Tiến sĩ tại CEA-Grenoble, Cộng hòa Pháp, Trường Đại học Công nghệ Nanyang, Singapore và trao đổi giảng dạy tại Trường Đại học Hanyang, Hàn Quốc. Hiện nay, ông đang giảng dạy và nghiên cứu tại Trường Đại học Khoa học và Công nghệ Hà Nội. Đến nay, ông đã công bố 50 bài báo trên các tạp chí thuộc danh mục tạp chí ISI với tổng số hơn 3500 lần trích dẫn và chỉ số trích dẫn (H-index) là 26.
Hiện nay, PGS.TSKH Trần Đình Phong và các cộng sự đang trong quá trình hình thành, xây dựng một nhóm nghiên cứu mạnh với mục tiêu trong 05 năm tới chế tạo thành công một phiên bản lá nhân tạo có hiệu suất chuyển hóa tạo H2 là 5% và có thể được “in” trên các đế mang khác nhau (ví dụ đế mang là nhựa dẻo). Nhóm nghiên cứu đã và đang xây dựng các thí nghiệm như QCM-Electrochemical analysis, Raman-Electrochemical analysis cho phép nghiên cứu sâu cơ chế hoạt động của vật liệu xúc tác, quang xúc tác và lá nhân tạo. Năm 2018, nhóm nghiên cứu đã công bố 04 bài báo trên các tạp chí thuộc nhóm Q1 trong danh mục tạp chí ISI.
CÔNG TRÌNH ĐOẠT GIẢI
Phong D. Tran, Thu V. Tran, Maylis Orio, Stephane Torelli, Quang Duc Truong, Keiichiro Nayuki, Yoshikazu Sasaki, Sing Yang Chiam, Ren Yi, Itaru Honma, James Barber, Vincent Artero, 2016. Coordination polymer structure and revisited hydrogen evolution catalytic mechanism for amorphous molybdenum sulfide. Nature Materials, 15, 640-646
Hiện nay trong công nghiệp, nhiên liệu hydro đang được sản xuất từ khí thiên nhiên. Thách thức đặt ra là có thể sản xuất được hydro từ nước với giá thành rẻ hơn từ khí thiên nhiên. Để đạt được mục tiêu đó, các nhà khoa học quan tâm nghiên cứu chất xúc tác molybdenum sulfide có thể chế tạo bằng nhiều phương pháp khác nhau với khối lượng lớn. Công trình này xác định được cơ chế hoạt động xúc tác của vật liệu này một cách đầy đủ và từ đó đề xuất phương pháp thiết kế một thiết bị sản xuất tách hydro từ nước bằng năng lượng mặt trời có thể đạt hiệu suất chuẩn của Cơ quan Năng lượng Mỹ.
Nghiên cứu đã chỉ ra đầy đủ cấu trúc và cơ chế hoạt động xúc tác tạo H2 của vật liệu vô định hình molybdenum sulfide. Sau khi nghiên cứu được công bố, nhiều nhóm nghiên cứu khác trên thế giới đã sử dụng các công cụ phân tích khác nhau khẳng định cấu trúc này. Cơ chế hoạt động tạo H2 dựa trên các sai hỏng cấu trúc tâm MoS2 cũng được thừa nhận và một cơ chế tương tự cũng được tìm thấy trong vật liệu tinh thể đa lớp MoS2. Cơ chế này cũng giúp giải thích một cách thuyết phục việc một số vật liệu biến tính từ MoS2, molybdenum sulfide hoặc molybdenum selenide vô định hình có hoạt tính xúc tác vượt trội khi có nhiều sai hỏng cấu trúc. Đến nay, nghiên cứu này đã được trích dẫn hơn 160 lần trên các tạp chí khoa học quốc tế chuyên ngành.