PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng tốt nghiệp chuyên ngành Vi sinh vật học, Khoa Sinh học, trường Đại học Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội năm 1998. Sau khi tốt nghiệp, bà làm việc tại Trung tâm Cúm Quốc gia, Khoa Virus, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương. PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đã cùng các đồng nghiệp tập trung nghiên cứu chuyên sâu về virus cúm và các virus nổi trội, là căn nguyên của các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm như SARS-CoV, MERS-CoV, Ebola và các virus gây bệnh đường hô hấp khác (RSV, Adeno, hMPV…). PGS.TS. Nguyễn Lê Khánh Hằng đã công bố 38 bài báo khoa học trên các tạp chí quốc tế và 31 bài báo trên các tạp chí quốc gia. Một số bài báo được đăng trên các tạp chí ISI uy tín như Nature (IF 31,43), Emerging Infectious Disease Journal (IF 6,75). Theranostics (IF 8,712 –SCI), The Journal of Infectious Diseases (IF 6,273), PlosONE…
CÔNG TRÌNH ĐOẠT GIẢI
Tổ chức Y tế thế giới giới thiệu khái niệm “One Health – Một sức khoẻ” trong y tế hiện đại, một cách tiếp cận liên ngành nhằm tìm hiểu cơ chế phát sinh của các bệnh truyền nhiễm thông qua mối tương tác giữa con người, động vật, môi trường. Khung nghiên cứu với sự tham gia của ba bên: Viện Vệ sinh dịch tễ Trung ương (Bộ Y tế), Trung tâm Chẩn đoán thú y Trung ương, Cục Thú y (Bộ NN&PTNT), Trung tâm Phòng ngừa và Kiểm soát bệnh tật Hoa Kỳ (US-CDC) được hình thành. Nghiên cứu đã xác định được những điểm mấu chốt của virus cúm A/H5N1 tại Việt Nam giai đoạn 2003-2010: sự tiến hóa nhanh của virus, cung cấp một danh sách các đột biến được xác định trong tương tác giữa người – động vật trong virus cúm gia cầm độc lực cao (HPAI) H5N1, có giá trị trong giám sát phân tử virus cho các nghiên cứu trong tương lai tại Việt Nam và trên thế giới; mối tương quan về không gian và thời gian giữa sự xuất hiện của virus cúm HPAI H5N1 ở gia cầm và sự lây truyền của nó sang người. Kết quả đã khẳng định giả thuyết các trường hợp người nhiễm virus H5N1 tại Việt Nam là kết quả của việc lây truyền trực tiếp từ gia cầm sang người. Sự thay đổi di truyền do trao đổi tích hợp tự nhiên trong quần thể virus HPAI H5N1 để thích ứng với người chưa có bằng chứng, tuy nhiên giám sát virus học, phân tích sự tiến hoá của virus cúm gia cầm vẫn là việc làm bắt buộc của mục tiêu “ Một sức khoẻ”. Kết quả thu được giúp phát triển các biện pháp kiểm soát, phòng ngừa có hiệu quả để đảm bảo sức khoẻ cộng đồng tại Việt Nam.